Vì nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng các răng trên cung hàm bị hư tổn, suy yếu và lung lay. Lúc này, có nên nhổ răng hay không sẽ tùy thuộc vào tình trạng răng miệng và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân. Các bác sĩ nha khoa sẽ luôn ưu tiên điều trị cho răng thay vì loại bỏ. Cho đến khi tất cả các phương án đều không thể áp dụng hoặc không có tác dụng, bác sĩ mới chỉ định nhổ răng.
Nhổ răng là một kỹ thuật nha khoa giúp loại bỏ răng thật, do các vấn đề về bệnh lý, hư tổn và răng không còn đảm bảo được các chức năng cơ bản. Nhổ răng mang tính chất là một cuộc tiểu phẫu nên sẽ có các quá trình liên quan đến gây tê, nhổ răng và các vấn đề đau nhức sau đó. Bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe khi được chỉ định nhổ răng.
Sau khi nhổ răng, bệnh nhân tốt nhất là lựa chọn cấy ghép Implant để phục hình lại răng đã mất. Nhằm đảm bảo chức năng ăn nhai, tính thẩm mỹ và ngăn ngừa các hậu quả nghiêm trọng do việc mất răng gây ra.
Chỉ định tại chỗ
Khi tiến hành kiểm tra, phát hiện răng gặp một trong các vấn đề sau đây, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng:
- Phần thân và chân răng bị phá hủy nhiều, mất hết các chức năng và không thể điều trị hay tái tạo được nữa.
- Răng bị viêm nhiễm mãn tính, răng đã điều trị tủy nhiều lần nhưng vẫn tái phát, có các biến chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Răng mắc các bệnh lý răng miệng nặng gây các biến chứng tại chỗ như viêm xoang, viêm xương, viêm tổ chức liên kết…
- Răng mọc ngầm, mọc lệch, răng thừa dị dạng gây biến chứng nhiều lần.
- Răng có chân gãy do sang chấn.
- Răng sữa đã đến tuổi thay răng để không gây cản trở cho việc mọc răng vĩnh viễn.
Chỉ định theo yêu cầu chỉnh hình và phục hình răng
- Trong quá trình niềng răng cho những trường hợp răng hô, vẩu, răng mọc chen chúc sẽ được chỉ định nhổ răng, sau đó mới đeo niềng kéo chân răng.
- Răng bị lung lay, sẽ tiến hành nhổ bỏ để trồng lại.
Chỉ định tổng quát
- Răng có ổ nhiễm khuẩn nghi gây viêm thận, viêm khớp, viêm nội tâm mạc và bắt buộc nhổ theo yêu cầu của bác sĩ nội khoa.
- Trong quá trình điều trị một khối u nào đó ở vùng hàm mặt, những răng nằm trên đường đi của tia xạ trong việc điều trị cũng sẽ được nhổ bỏ.
Chống chỉ định tại chỗ
Bệnh nhân mắc các bệnh viêm cấp tính phải đợi qua giai đoạn cấp tính mới nhổ bỏ vì dễ gây nhiễm khuẩn lan rộng:
- Viêm lợi, viêm miệng cấp tính
- Viêm khớp răng cấp tính
- Viêm xoang cấp tính sẽ không nhổ được các răng cối trên
Chống chỉ định tạm thời
- Bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn về máu, tim mạch, tiểu đường, bệnh dị ứng cần uống thuốc ổn định bệnh lý và có chỉ định của bác sĩ mới tiến hành nhổ.
- Bệnh nhân bị bệnh động kinh và tâm thần phải dùng thuốc an thần vài ngày trước khi nhổ răng.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc trong kỳ kinh nguyệt không nên nhổ răng.
Chống chỉ định vĩnh viễn
- Bệnh nhân bị ung thư bạch cầu nhổ răng sẽ dễ bị nhiễm khuẩn và chảy máu.
- Bệnh nhân đã điều trị tia X vùng hàm mặt, nếu nhổ răng sẽ dễ bị hoại tử vùng xương hàm.
Khi tiến hành nhổ răng, đa phần bệnh nhân đều cảm thấy lo lắng, sợ đau đớn. Nhưng nhổ răng là kỹ thuật nha khoa không quá phức tạp. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại ngày nay, quá trình nhổ răng hoàn toàn không đau đớn. Quy trình nhổ răng thường có 4 bước như sau:
Bước 1: Kiểm tra tổng quát sức khỏe răng miệng và thăm khám cấu trúc răng cần nhổ
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, chụp X – Quang để xác định chiều dài, hình dạng, vị trí và tình trạng xương xung quanh vị trí răng cần nhổ. Từ đó, bác sĩ ước tính mức độ khó của ca tiểu phẫu và hướng nhổ răng hợp lý nhất.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng
Răng miệng được vệ sinh sạch sẽ. Sử dụng nước súc miệng chứa flour để làm sạch các vi khuẩn ẩn chứa bên trong kẽ răng, tránh viêm nhiễm khi nhổ răng.
Bước 3: Gây tê
Hiện nay, với kỹ thuật nhổ răng cho bệnh nhân có sức khỏe bình thường thì chỉ cần tiêm tê tại vị trí nhổ răng. Đối với những trường hợp phức tạp hơn mới phải gây tê vùng và gây tê tại chỗ.
Trước khi tiêm thuốc gây tê, bác sĩ sẽ thoa nhẹ thuốc tê lên vùng cần tiêm nên khi tiêm thuốc sẽ không có cảm giác nhói, đau rát.
Bước 4: Tiến hành nhổ răng
Bác sĩ sẽ sử dụng các bộ dụng cụ riêng đã được vô trùng, vô khuẩn để tiến hành nhổ răng. Sau khi răng đã được nhổ ra khỏi khung hàm sẽ tiến hành khâu vá nướu hoặc tiến hành bước tiếp theo trong quá trình phục hình (trồng răng Implant).
Để tránh xảy ra các biến chứng phức tạp như nhiễm trùng, chảy máu nhiều, sưng đau dai dẳng… thì trước và sau khi nhổ răng, bệnh nhân cần chăm sóc răng miệng cho đúng cách.
Cần chuẩn bị những gì trước khi nhổ răng?
- Điều đầu tiên cần chuẩn bị là tâm lý thoải mái. Nếu bệnh nhân quá lo lắng, căng thẳng có thể gây cản trở cho quá trình thực hiện nhổ răng của bác sĩ.
- Tất cả các vấn đề bệnh lý, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân về tim mạch, tiểu đường, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt.. cần được báo với bác sĩ. Trước khi nhổ răng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát một lần nữa về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
- Thời điểm nhổ răng thích hợp nhất là vào đầu giờ sáng hoặc đầu giờ chiều sau khi ăn no, để bác sĩ theo dõi tình trạng chảy máu sau nhổ của bệnh nhân.
Chăm sóc răng miệng sau khi nhổ răng như thế nào?
- Sau khi nhổ răng thì tình trạng chảy máu, sưng đau, khó há miệng là chuyện bình thường. Cần giữ chặt gạc sạch hoặc bông gòn trong khoảng 30 phút để ngăn chảy máu và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm sưng đau.
- Dùng nước muối sinh lý để súc miệng thay vì chải răng trong 24h sau khi nhổ. Dùng đá, khăn lạnh để chườm lên má, vùng ngoài để giảm sưng đau.
- Cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống thuốc kháng sinh, giảm đau, không dùng tay hoặc vật nhọn để kiểm tra vết thương… Nếu nhận thấy sưng đau bất thường và chảy máu liên tục, thì bệnh nhân cần trực tiếp đến gặp bác sĩ để kiểm tra và xử lý kịp thời.
- Buổi tối đầu tiên sau khi nhổ răng, bệnh nhân cần ngủ sớm và không dùng đồ uống có cồn.
- Khi vết thương chưa lành, chỉ nên ăn những đồ mềm, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước. Không nên ăn những đồ ăn quá lạnh, quá cay nóng, nước có gas và các chất kích thích khác.